Phân tích phim đo sọ từ xa theo Ricketts

BSNT. Nguyễn Thanh Nga

Phim đo sọ từ xa – Cephalomtric là phim thường quy trong chẩn đoán, lên kế hoạch điều trị và đánh giá sau điều trị chỉnh nha và phẫu thuật chỉnh hình xương. Đã có nhiều phương pháp phân tích phim được đưa vào nghiên cứu khoa học và ứng dụng lâm sàng. Phân tích phim Cephalometric theo Ricketts được giáo sư Ricketts nghiên cứu và phát triển từ những năm 1960. Phân tích có nhiều ý nghĩa lâm sàng và nghiên cứu, tuy nhiên đến những năm gần đây các nước trên thế giới mới sử dụng phân tích này để tìm ra các giá trị trung bình cho các cộng đồng.

Sau đây, tôi xin được chia sẻ những hiểu biết về phân tích Ricketts. Bài viết gồm 4 phần:

Phần 1: Tiểu sử Ricketts

Phần 2: Tóm tắt phận tích Ricketts

Phần 3: Các chỉ số trung bình theo Ricketts và 1 số nghiên cứu trên cộng đồng người châu Á dựa trên phân tích Ricketts

Phần 4: Nhận định cá nhân về phân tích Ricketts

Phần 1. Tiểu sử giáo sư Ricketts

Giáo sư Robert Murray Ricketts (1920 – 2003) sinh ra bang Indiana- Hoa Kỳ. Ông có nhiều đóng góp cho ngành nắn chỉnh răng như Phát triển hệ thống mắc cài slot 18, phân tích phim Ricketts, đưa công thức dự đoán tăng trưởng và điều trị vào lập kế hoạch (VTO), phát triển khí cụ Quarhelix, cung tiện ích, headgear kéo cổ,.. Ông cùng với Carl Gugino và Ruel Bench phát triển triết lý Bioprogressive– tiếp cận diễn tiến sinh học trong chẩn đoán và điều trị.

Phần 2. Phân tích Ricketts

Phân tích Ricketts đánh giá sự thay đổi trên 5 vùng sinh học:

  1. Nền sọ,
  2. Phức hợp xương hàm dưới
  3. Phức hợp xương hàm trên
  4. Phức hợp răng 2 hàm
  5. Phức hợp mô mềm.

Phân tích sử dụng 15 điểm mốc giải phẫu, 8 mặt phẳng tham chiều, 3 trục tham chiếu, đưa ra 16 chỉ số đánh giá.

1. Định nghĩa và cách xác định 15 mốc giải phẫu

STT Tên viết tắt Giải thích Cách xác định
1 A6 Răng hàm lớn thứ nhất hàm trên Điểm nằm trên mặt phẳng cắn, hạ vuông góc từ mặt phẳng phía xa răng hàm lớn thứ nhất hàm trên
2 B6 Răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới Điểm nằm trên mặt phẳng cắn, hạ vuông góc từ mặt phẳng phía xa răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới
3 C1 Lồi cầu
4 DT Mô mềm Điểm tiếp tuyến của cằm với đường/ mặt phẳng thẩm mỹ
5 CC Tâm nền sọ Giao điểm của mặt phẳng Ba-Na với trục mặt
6 CF Giao điểm của Ptv với mặt phẳng Frankfort
7 PT Điểm PT Điểm nối của khe chân bướm hàm và lỗ tròn: đường viền ngoài của lỗ tròn có thể xác định bằng cách sử dụng mẫu  được thiết kế bởi Jacobson-Sadowsky hoặc xác định tương 8đối ở vị trí 10h30 đường bao phía trên khe chân bướm hàm
8 DC Điểm lồi cầu Trung điểm của đoạn cổ lồi cầu cắt bời đường thẳng Ba-N
9 Gn Điểm Gnathion Giao điểm của mặt phẳng mặt và mặt phẳng hàm dưới
10 PM Điểm Supra-pogonion Điểm chuyển tiếp giữa đoạn cong lồi và cong lõm bờ trước cằm.
11 Pog Pogonion Điểm trước nhất vùng cằm, (tiếp điểm của mặt phẳng mặt với bờ trước cằm)
12 TI Điểm TI Giao điểm của mặt phẳng cắn và mặt phẳng mặt.
13 Xi Điểm Xi Điểm Xi là trung tâm cành lên xương hàm dưới, được xác định như sau

Định nghĩa và cách xác định điểm Xi:

Điểm Xi được xác định bằng cách dựng hình dựa trên 2 mặt phẳng:

  1. Mặt phẳng ngang Frankfort
  2. Mặt phẳng đứng dọc chân bướm hàm PtV.

Cách dựng hình như sau:

  1. Kẻ FH, dựng PtV vuông góc với FH (PtV tiếp tuyến với điểm xa nhất của khe chân bướm hàm).
  2. Xác định các điểm R1, R2, R3, R4 trên đường bao cành lên xương hàm dưới như sau:
    R1: Điểm sâu nhất của bờ trước cành lên xương hàm dưới.
    R2: Điểm nằm trên bờ sau cành lên xương hàm dưới, đối diện với R1.
    R3: Điểm sâu nhất của khuyết Sigma, điểm giữa đoạn cong phía trước và sau của khuyết này.
    R4: Điểm nằm trên bờ dưới cành lên xương hàm dưới, đối diện với R3.
  3. Dựng hình chữ nhật bao quanh cành lên xương hàm dưới.
  4. Xi là điểm trung tân của hình chữ nhật trên, giao điểm của đường chéo.

2. Định nghĩa và cách xác định mặt phẳng

  1. Mặt phẳng Frankfort: Mặt phẳng nối giữa Portion và Orbitale.
  2. Mặt phẳng mặt: Mặt phẳng nối Nasion và Pogonion.
  3. Mặt phẳng hàm dưới: Mặt phẳng nối Gnathion và Gonion.
  4. PtV (Pterygoid vertical): Mặt phẳng đi qua điểm xa nhất của khe chân bướm hàm và vuông góc với Frankfort.
  5. Mặt phẳng Ba-N: Nối từ Basion đến Nasion, là mặt phẳng phân chia sọ và mặt.
  6. Mặt phẳng cắn: mặt phẳng cắn chức năng đi qua điểm tiếp xúc khớp cắn vùng răng hàm lớn thứ nhất và các răng hàm nhỏ.
  7. Đường A-Pog: Đường nối A-Pog, được coi như mặt phẳng răng.
  8. Đường thẩm mỹ S-line: Nối từ đỉnh mũi đến đỉnh cằm (En- DT).

3. Định nghĩa và cách xác định các trục

  1. Trục mặt: đường nối từ PT đến Gn.
  2. Trục lồi cầu xương hàm dưới: đường nối từ DC đnến Xi, được dùng để mô tả hình thái của  xương hàm dưới.
  3. Trục thân xương hàm dưới: đường nối từ Xi đến PM, được dùng để mô tả hình thái xương hàm dưới và đánh giá tăng trưởng. 

Phần 3: Các chỉ số trung bình theo Ricketss và 1 số nghiên cứu trên cộng đồng người châu Á dựa trên phân tích Ricketts

Năm 1960, Ricketss xuất bản 2 bài báo, Bài thứ nhất trình bày hình thái nghiên cứu trên 1000 case quan sát liên tục trong quá trình thực hành lâm sàng 1. Bài thứ hai là phân tích hiệu quả điều trị sử dụng kỹ thuật multibands và lực kéo ngoài mặt 2. Các chỉ số trung bình được tác giả đưa ra như sau:

STT Chỉ số Giá trị trung bình ở 9 tuổi Tăng trưởng theo tuổi
1 Góc trục mặt (Facial axis) 90°±3,5° Không thay đổi
2 Độ sâu mặt (Facial depth) 87°±3° Thêm 1°/ 3 năm
3 FMA 26°±3° Giảm 1°/ 3 năm
4 Convexity A 2mm±2mm Giảm 1mm/3 năm
5 Khoảng cách từ rìa cắn răng cửa đến A-Pog 1mm±2mm Không đổi
6 Khoảng cách từ răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới đến PtV Số tuổi +3mm
7 Góc giữa trục răng cửa dưới và A-Pog 22°±4° Không thay đổi
8 Độ nhô môi dưới so với E-line -2mm+2mm Giảm độ nhô theo tuổi

Một số nghiên cứu Ricketss trên cộng đồng người châu Á.

Trong những năm gần  đây, có nhiều nghiên cứu đưa ra các chỉ số trung bình trên phim cephalometric được thực hiện trên các cộng đồng châu Á, sau đây tôi xin tóm tắt 1 nghiên cứu được đăng trên tạp chí Chỉnh nha Hàn Quốc (The Korean Journal of Orthodontics) năm 2014- “Đánh giá thay đổi theo tăng trưởng sọ mặt trên nhóm đối tượng có khớp cắn bình thường, sử dụng phân tích Ricketts” 3

Tóm tắt nghiên cứu:

Mục đích: Nghiên cứu được thiết kế để tìm ra các chỉ số trung bình của người Hàn Quốc trên phân tích Ricketts.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu dọc, dùng phim đo sợ từ xa của 31 đối tượng có khớp cắn bình thường, tuổi từ 9 đến 19. Tiến hành đo các chỉ số trên phim. Các thông số mà 10 năm không thay đổi 1 độ lệch chuẩn thì được coi là không đổi. Các giá trị trung bình và độ lệch chuẩn được xác định cho từng lứa tuổi.

Kết quả: Không có thay đổi theo tăng trưởng với các chỉ số: tương quan răng hàm lớn, độ cắn chùm, độ cắn chìa, độ cao của rìa cắn răng cửa dưới, góc liên răng cửa, góc giữa trục răng cửa dưới và A-Pog, góc giữa trục răng cửa trên với A-Pog, khoảng cách từ rìa cắn răng cửa trên và dưới đến A-Pog, góc giữa trục răng của dưới và FH, converxity, chiều cao tầng mặt dưới (LFH), góc trục mặt, độ nhô hàm trên (maxilarry depth), chiều cao xương hàm trên, khoảng cách mặt phẳng khẩu cái đến FH, độ lệch nền sọ, vị trí Xi. Những chỉ số thay đổi theo tuổi gồm: khoảng cách từ răng hàm lớn thứ nhất hàm trên đến PtV, độ nhô mặt, FMA, chiều dài nền sọ trước, góc trục cành lên xương hàm dưới (mandibular arch) và chiều dài thân xương hàm dưới.

Kết luận: Các nhà thực hành lâm sàng có thể áp dụng chỉ số trung bình trên phân tích Ricketts của người Hàn Quốc ở độ tuổi 9 tuổi. Tuổi của bệnh nhân ở thời điểm bắt đầu điều trị và giới tính nên được cân nhắc kỹ khi phác thảo mục tiêu điều trị (VTO).

Sau đây là bảng kết quả các chỉ số được đưa ra tại nghiên cứu:

Phần 4: Nhận định cá nhân

Sau quá trình tìm hiểu, thực hành phân tích Ricketts khi chẩn đoán, lên kế hoạch điều trị tôi có những kinh nghiệm cá nhân sau:

  1. Phân tích Ricketts đưa ra được bức tranh toàn diện về hình thái nền sọ, tương quan cấu trúc mặt và nền sọ, tương quan xương hàm trên và hàm dưới, tương quan răng, đường thẩm mỹ nhìn nghiêng. Chẩn đoán theo chỉ số trung bình của Ricketts giúp đánh giá nguyên nhân sai lệch khớp cắn: do nền sọ, do xương hàm trên, do xương hàm dưới hay do răng.
  2. Đánh giá tăng trưởng theo Ricketts là điều cần thiết khi đưa ra kế hoạch điều trị với bệnh nhân đang tăng trưởng.
  3. Chưa có nhiều nghiên cứu về chỉ số trung bình theo phân tích Ricketts tại cộng đồng người Việt Nam và châu Á, tuy nhiên có thể coi chỉ số trung bình của Ricketts có tính tham khảo để chẩn đoán nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị.

Tài liệu tham khảo

  1. D. M. ROBERT MURRAY RICKETTY, “A FOUNDATION FOR CEPHALOMETRIC COMMUNICATION,” Am J Orthod, p. 330–357, 1960.
  2. D. M. Robert Murray Ricketss, “The Influence of Orthodontic treatment on facial growth and development,” Angle Orthodontist, 30,, pp. 103-133, 1960.
  3. H.-j. K. O.-w. K. Eun-ju Bae, “Changes in longitudinal craniofacial growth in subject subjects with normal occlusions using the Ricketts analysis,” The Korean Journal of Orthodontics, pp. 77-87, 2014.

Facebook Comments