SÀNG LỌC NGƯNG THỞ KHI NGỦ DO TẮC NGHẼN (OSA) NHỜ ỨNG DỤNG CỦA PHIM SỌ NGHIÊNG 

Sàng lọc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) nhờ ứng dụng của phim sọ nghiêng

SÀNG LỌC NGƯNG THỞ KHI NGỦ DO TẮC NGHẼN (OSA) NHỜ ỨNG DỤNG CỦA PHIM SỌ NGHIÊNG

I.Tổng quan chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive sleep apnea – OSA) được mô tả bằng các giai đoạn tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường hô hấp trên trong khi ngủ, làm gián đoạn hoặc giảm lưu lượng không khí, dẫn đến giảm độ bão hòa oxy.1-3  Đây là chứng rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ phổ biến nhất và có tác động tiêu cực đến sức khỏe với tỷ lệ mắc 2-4% ở nam giới trung niên, 1-2% ở nữ giới trung niên.4

Hình 1a. Đường đi của khí thở ở người bình thường5

 Hình 1b. Đường đi của khí thở ở người mắc OSA trong thì tắc nghẽn do lưỡi gà và gốc lưỡi chèn ép đường thở.5

Kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất để chẩn đoán OSA được coi là tiêu chuẩn vàng là Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography – PSG). Kỹ thuật này được thực hiện khi bệnh nhân đang ngủ tại phòng thí nghiệm và theo dõi tất cả những thay đổi sinh lý có thể xảy ra trong giấc ngủ bao gồm: sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim và nhịp thở cũng như chuyển động của mắt và chân.4

Kỹ thuật Đo đa ký giấc ngủ (PSG) - tiêu chuẩn vàng chẩn đoán OSA

Hình 2. Kỹ thuật Đo đa ký giấc ngủ (PSG) – tiêu chuẩn vàng chẩn đoán OSA.6

Mặc dù PSG cung cấp nhiều thông tin để mô tả loại và mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn, nhưng đây là một kỹ thuật đắt tiền và khó tiếp cận ở một số địa phương. Ngoài ra, PSG không chỉ ra cụ thể vị trí tắc nghẽn. Vì vậy, việc phân tích các phim X-quang các thông số giải phẫu sọ mặt và hầu họng đã nhận được sự quan tâm. Nhiều nghiên cứu đã đánh giá giải phẫu của các cấu trúc vùng miệng-mặt bằng các kỹ thuật phức tạp và đắt tiền, bao gồm CT, MRI, soi huỳnh quang khi ngủ và phản xạ âm thanh.

So với các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, đo phim sọ nghiêng là một phương pháp dễ dàng, chi phí thấp, không xâm lấn, giúp giảm phơi nhiễm bức xạ và được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các bệnh viện.4

Phân tích phim sọ nghiêng có thể thay thế các tác vụ thủ công tốn thời gian trong phương pháp lâm sàng để sàng lọc OSA.

Một số mốc giải phẫu và tham số được sử dụng khi nghiên cứu về ứng dụng của phim sọ nghiêng trong sàng lọc OSA.

Hình 3. Một số mốc giải phẫu và tham số được sử dụng khi nghiên cứu về ứng dụng của phim sọ nghiêng trong sàng lọc OSA.7

II. Ứng dụng của phim sọ nghiêng trong sàng lọc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)

Để xác định những thay đổi về mặt giải phẫu vùng miệng ở bệnh nhân trưởng thành mắc OSA, một số nghiên cứu đo phim sọ đã được phân tích. Mặc dù các bệnh nhân mắc OSA không có hình thái sọ mặt giống hệt nhau, nhưng nhưng những đối tượng này có nhiều điểm tương đồng với nhau hơn so với các đối tượng bình thường.4,7,8

1.Nghiên cứu tổng quan hệ thống về phim sọ nghiêng được sử dụng như một công cụ dự đoán chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Nghiên cứu tổng quan hệ thống năm 2016 của Armalaite J và cộng sự 4 đánh giá mối quan hệ giữa OSA với giải phẫu sọ mặt và hầu họng đưa ra những chỉ số trên phim sọ nghiêng có liên quan mật thiết với OSA. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều thông số hầu họng ở người mắc OSA tăng so với nhóm chứng, như: chiều dài vòm miệng mềm tăng 4,21mm, chiều rộng khẩu cái mềm tăng 1,99mm, diện tích vòm miệng mềm tăng 0,86cm2 và diện tích lưỡi tăng 2,02cm2. Không gian đường hô hấp trên giảm đáng kể, đồng thời khoảng cách giữa xương móng và mặt phẳng hàm dưới cũng tăng đáng kể ở nhóm người mắc OSA. Kết luận nghiên cứu đưa ra rằng MP-H và SPAS là hai thông số đáng tin cậy nhất và có ý nghĩa trong sàng lọc OSA.

MP-H là thông số thể hiện khoảng cách giữa xương móng (điểm H) và mặt phẳng hàm dưới (Go-Me);8,9 trong đó, điểm H được định nghĩa là điểm trước nhất và trên nhất của xương móng.10 MP-H là biến mang tính đồng nhất cao giữa các nghiên cứu so sánh giữa đối tượng mắc OSA và nhóm chứng.

Khoảng cách MP-H đo trên phần mềm Viceph.

Hình 4. Khoảng cách MP-H đo trên phần mềm Viceph.

SPAS là khoảng cách giữa vòm miệng mềm và thành sau họng, nơi mà đường thở trên hẹp nhất. SPAS được cho là có liên quan chặt chẽ đến OSA. Sự giảm của SPAS được kết luận là một thông số tiên lượng để nghi ngờ OSA.4

Khoảng cách SPAS đo trên phần mềm Viceph.

Hình 5. Khoảng cách SPAS đo trên phần mềm Viceph.

2.Phân tích đường thở trên phim sọ nghiêng trong phân tích Tweemac

Hệ thống chẩn đoán Biocreative – được gọi là phân tích Tweemac – cho phép đánh giá đơn giản và hiệu quả vấn đề răng mặt bằng cách sử dụng số lượng điểm mốc tối thiểu.11

Hình 6a. 15 mốc giải phẫu trên phim sọ nghiêng được sử dụng trong phân tích Tweemac.11 Hình 6b. Các mặt phẳng tham chiếu được sử dụng trong phân tích Tweemac.11Hình 6a. 15 mốc giải phẫu trên phim sọ nghiêng được sử dụng trong phân tích Tweemac.11

Hình 6b. Các mặt phẳng tham chiếu được sử dụng trong phân tích Tweemac.11

Phân tích Tweemac đánh giá bảy thành phần chính: mối quan hệ hàm trên-sọ mặt theo chiều dọc, mối quan hệ hàm trên-hàm dưới theo chiều dọc, sự khác biệt của xương, độ lồi của khớp cằm, độ rộng đường thở, hình dạng của hàm dưới (không đối xứng) và độ nghiêng của răng cửa và răng hàm. Trong đó, độ rộng đường thở được đánh giá qua hai thông số là độ rộng đường thở trên (SAW) và độ rộng đường thở dưới (IAW).11

Đọc thêm: Phân tích phim đo sọ từ xa theo Ricketts – ViCeph Blog

Chiều rộng đường thở trên là khoảng cách giữa PNS và thành sau họng, đo song song với mặt phẳng khẩu cái (ANS-PNS). Ở người châu Á bình thường, độ rộng đường thở trên nằm trong khoảng 23,22mm đến 29,58mm ở nam và trong khoảng 22,83mm đến 28,31mm ở nữ.11

Chiều rộng đường thở trên (SAW) đo trên phần mềm Viceph.

Hình 7. Chiều rộng đường thở trên (SAW) đo trên phần mềm Viceph.

Chiều rộng đường thở dưới là khoảng cách giữa điểm giao nhau của thành trước họng với thân hàm dưới và thành sau họng, đo song song với mặt phẳng khẩu cái (ANS-PNS). Ở người châu Á bình thường, độ rộng đường thở dưới nằm trong khoảng 9,07mm đến 15,73mm ở nam và trong khoảng 7,65mm đến 15,49mm ở nữ.11

Chiều rộng đường thở dưới (IAW) đo trên phần mềm Viceph

Hình 8. Chiều rộng đường thở dưới (IAW) đo trên phần mềm Viceph.

 III. Kết luận

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến liên quan đến nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe: các bệnh tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hoá, suy giảm trí nhớ,… Chỉnh nha ở bệnh nhân ngừng thở do tắc nghẽn là một vấn đề phức tạp; phim sọ nghiêng là công cụ thường quy trong chỉnh nha đồng thời là một công cụ có tính ứng dụng cao trong sàng lọc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Chính vì vậy, phân tích đường thở trên phim sọ nghiêng nhằm sàng lọc OSA được khuyến khích thực hiện trước khi bắt đầu điều trị chỉnh nha trên mỗi bệnh nhân.

References:

  1. Chan AS, Phillips CL. Cistulli PA. Obstructive sleep apnoea-an update. Intern Med J.. 2010: 40: 102-6.
  2. Patil SP, Schneider H. Schwartz AR, et al. Adult obstructive sleep apnea: pathophysiology and diagnosis. Chest. 2007; 132: 325-37.
  3. Stradling JR. Davies RJ. Sleep. 1: obstructive sleep apnoea/hypopnoea syndrome: definitions, epidemiology, and natural history. Thorax. 2004: 59: 73-8.
  4. Armalaite J. Lopatiene K. Lateral teleradiography of the head as a diagnostic tool used to predict obstructive sleep apnea. Dentomaxillofacial Radiology. 2016: 45: 20150085.
  5. Haddad F. Bittencourt L. Stefanini R. et al. Obstructive Sleep Apnea: An Overview. Sleep Medicine and Physical Therapy. 2022: 1: 147-156.
  6. Polysomnogram. Sleep apnea guide. https://www.sleep apnea- guide.com/images/polysomnogram.jpg
  7. Vidovic N. Mestrovic S, Dogas Z, et al. Craniofacial morphology of Croatian patients with obstructive sleep apnea. Coll Antropol. 2013; 37:271-9.
  8. Takai Y. Yamashiro Y, Satoh D, et al. Cephalometric assessment of craniofacial morphology in Japanese male patients with obstructive sleep apnea-hypopnea syndrome. Sleep Biol Rhythms. 2012: 10: 162-8.
  9. Seto BH. Gotsopoulos H. Sims MR, et al. Maxillary morphology in obstructive sleep apnoea syndrome. Eur J Orthod. 2001: 23: 703-14.
  10. Smorntree V. Athanasios EA. Anatomy, Radiographic Anatomy and Cephalometric Landmarks of Craniofacial Skeleton, Soft Tissue Profile, Dentition, Pharynx and Cervical Vertebrae. Orthodontic cephalometry. Mosby-Wolfe: 1995: 241-292.
  11. Kim SH, Ahn HW, Chung KR, et al. The biocreative strategy. Part 2: The Tweemac analysis. J Clin Orthod. 2018: 52(6-7): 359-371.

 

Facebook Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *