Chồng hình trước và sau điều trị khớp cắn loại II

Phương pháp chồng hình phim sọ nghiêng

PHƯƠNG PHÁP CHỒNG HÌNH PHIM SỌ NGHIÊNG

I. Tổng quan về chồng hình phim sọ nghiêng

Trong điều trị chỉnh nha, các bác sĩ luôn quan tâm đến sự thay đổi theo thời gian của răng cũng như sọ mặt, đặc biệt là trong chỉnh nha tăng trưởng.1 Kỹ thuật chồng hình sử dụng những phim sọ nghiêng trong các giai đoạn khác nhau đã được áp dụng từ nhiều năm nay như một công cụ thiết yếu để đánh giá sự thay đổi của sọ mặt theo thời gian.1-4

Chồng hình toàn mặt theo dõi quá trình điều trị trên bệnh nhân trưởng thành

Hình 1. Chồng hình toàn mặt theo dõi quá trình điều trị trên bệnh nhân trưởng thành.

Việc chồng phim sọ nghiêng tại các cấu trúc ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá khách quan những thay đổi xảy ra trong quá trình tăng trưởng và/hoặc điều trị ở bệnh nhân. Do đó, tốt nhất nên sử dụng các cấu trúc ngừng phát triển ở giai đoạn sớm hoặc dự kiến chỉ thay đổi rất ít trong thời gian quan sát.5,6 Qua nhiều năm, nhiều phương pháp chồng hình khác nhau đã được đề xuất trong tài liệu như Steiner (1959), Broadbent (1931), Ricketts (1975), Pancherz (1982), and You and Hägg (1999),… Hầu hết các phương pháp đều dụng các cấu trúc khác nhau được coi là ổn định, làm vị trí tham khảo để chồng hình.

Dưới đây là 3 loại chồng hình phổ biến sử dụng những điểm và đường tham chiếu ổn định, bao gồm:

  • Chồng hình toàn mặt
  • Chồng hình hàm trên
  • Chồng hình hàm dưới

Để thực hiện chồng phim, các phim cần được đánh dấu các mốc giải phẫu và vẽ các mặt phẳng, đường cong cần thiết trước.

Các mốc giải phẫu của phân tích Steiner và các mặt phẳng, đường cong trên phim sọ nghiêng

Hình 2. Các mốc giải phẫu của phân tích Steiner và các mặt phẳng, đường cong trên phim sọ nghiêng.

Tiếp đến, các phim cần được điều chỉnh về cùng tỷ lệ. Cuối cùng, chồng hai phim tại đường và điểm tham chiếu.

1. Chồng hình toàn mặt sử dụng mặt phẳng nền sọ (Sella-Nasion)

SN là đường tham chiếu được sử dụng thường xuyên và được báo cáo là tương đối ổn định.7 Steiner đã sử dụng chồng hình qua SN tại điểm S để đánh giá những thay đổi vị trí của hàm dưới so với các cấu trúc của sọ não và tại điểm N để đánh giá vị trí trước – sau của xương hàm trên thông qua những thay đổi trong góc SNA.7,8

Chồng hình qua mặt phẳng SN tại điểm N trên phần mềm Viceph

Hình 3. Chồng hình qua mặt phẳng SN tại điểm N trên phần mềm Viceph.

2. Chồng hình hàm trên

Năm 1975, Ricketts RM. đưa ra phương pháp chồng hình với 4 vị trí chồng hình nhằm đánh giá riêng biệt những thay đổi của xương và răng trong điều trị chỉnh nha.9

  • Vị trí I và II giúp đánh giá thay đổi của xương hàm trên và xương hàm dưới
  • Vị trí III và IV giúp đánh giá sự thay đổi của các răng trên và răng dưới.

Phương pháp chồng hình của Ricketts

Hình 4. Phương pháp chồng hình của Ricketts.

(a) Vị trí I                  (b) Vị trí II

(c) Vị trí III                (d) Vị trí IV

 Trong phương pháp chồng hình này, vị trí III là vị trí chồng hình qua mặt phẳng khẩu cái ANS-PNS tại điểm gai mũi trước (ANS). Vị trí này cho phép đánh giá những dịch chuyển của các răng hàm trên so với xương hàm trên trong quá trình điều trị.

Hình ảnh chồng hình hàm trên tại vị trí III theo Ricketts trên phần mềm Viceph

Hình 5. Hình ảnh chồng hình hàm trên tại vị trí III theo Ricketts trên phần mềm Viceph.

 3. Chồng hình hàm dưới

Trong các phương pháp chồng hình hàm dưới, trong đó có phương pháp chồng hình của Bjork10 được sử dụng như là ‘tiêu chuẩn vàng’ để so sánh các kỹ thuật chồng hình.11 Kỹ thuật chồng hình của Bjork được phát triển vào những năm 1960, đã được sử dụng trong một thời gian dài và nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phương pháp chồng hình của Björk là kỹ thuật chính xác nhất để chồng các cấu trúc xương sọ theo thời gian. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng sử dụng được kỹ thuật chồng hình này do có sử dụng mini-implants kim loại.

Chồng hình hàm dưới trong phương pháp chồng hình của Bjork

Hình 6. Chồng hình hàm dưới trong phương pháp chồng hình của Bjork: Björk’s structural (Björk, 1963; Björk and Skieller, 1977).

Những nghiên cứu gần đây so sánh các phương pháp chồng hình dựa vào mặt phẳng hàm dưới với phương pháp chồng hình của Björk trong việc theo dõi sự thay đổi của răng cửa hàm dưới trong quá trình chỉnh nha tăng trưởng cho kết quả rằng hiệu quả của chúng như nhau.11 Vì vậy, sử dụng phương pháp chồng hình qua mặt phẳng hàm dưới để theo dõi sự dịch chuyển răng là phù hợp trong điều trị chỉnh nha.

Một trong những phương pháp chồng hình qua mặt phẳng hàm dưới thường được sử dụng là chồng hình qua mặt phẳng Go-Me tại điểm Me.

Hình ảnh chồng hình qua mặt phẳng hàm dưới Go-Me tại điểm Me trên phần mềm Viceph

Hình 7. Hình ảnh chồng hình qua mặt phẳng hàm dưới Go-Me tại điểm Me trên phần mềm Viceph.

II.Ứng dụng chồng hình phim sọ nghiêng

1. Các ứng dụng chồng hình phim sọ nghiêng

Sử dụng phương pháp chồng hình giúp đánh giá được các phương pháp điều trị trên bệnh nhân có thực sự đúng với kế hoạch ban đầu hay không

Ngoài ra chồng phim còn giúp đánh hiệu quả cơ sinh học của khí cụ chỉnh nha đã sử dụng hoặc thiết kế sự dịch chuyển răng cần thiết trên lâm sàng ( tịnh tiến, nghiêng răng có hoặc không có kiểm soát hoặc dịch chuyển thân răng, xem thêm tại Mô phỏng sự dịch chuyển răng – liên quan giữa vị trí lực, tâm cản và tâm xoay – Studyortho ). Khi đó khí cụ chỉnh nha được thiết kế để đảm bảo sự dịch chuyển đến vị trí cuối cùng này.

2. Sử dụng tính năng chồng hình trên ViCeph

Trong phần mềm ViCeph hiện tại, chúng tôi sử dụng 3 phương pháp chồng hình

  • Chồng hình toàn măt: sử dụng cấu trúc nền sọ S-Na với điểm chồng hình tại Na
  • Chồng hình hàm trên: Sử dụng loại III theo Ricketts; khi chồng mặt phẳng hàm trên tại điểm ANS để đánh giá sự dịch chuyển của răng hàm trên so với cấu trúc xương
  • Chồng hình hàm dưới: Sử dụng phương pháp của Björk; khi chồng mặt phẳng hàm dưới ( qua Go-Me ) tại điểm Me, nhằm đánh giá sự thay đổi của

+ Răng hàm dưới so với xương hàm dưới

+ Sự tăng trưởng của xương hàm dưới ( khi có sự bồi đắp về phía sau )

Trên ViCeph, có thể chồng 3 phim đồng thời; chức năng này sử dụng thuận lợi trong trường hợp muốn đánh giá sự thay đổi của :

  • Trước (T0) và sau điều trị (T1)
  • Trước điều trị (T0), trước phẫu thuật (T1) và kết thúc điều trị (T2)
  • Trước điều trị (T0), sau điều trị (T1), sau thời gian duy trì (T2)

Trên ViCeph, các điểm và mặt phẳng được đánh giá tự động bằng AI nhưng cũng có thể căn chỉnh các mặt phẳng, điểm, và thước đo để đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

3. Ví dụ lâm sàng

3.1. Case khớp cắn loại II trước và sau điều trị

Chồng hình trước và sau điều trị khớp cắn loại II

Hình 8: Chồng hình trước và sau điều trị khớp cắn loại II

Cho thấy

  • Sự dịch chuyển tịch tiến của răng hàm trên
  • Sự dịch chuyển lún tuyệt đối của răng cửa hàm dưới
  • Sự lún và ra trước của răng hàm trên
  • Sự dịch chuyển ra trước của răng hàm hàm dưới
  • Không có sự thay đổi tăng trưởng của xương hàm trên và hàm dưới

3.2. Case phẫu thuật

Kế hoạch phẫu thuật

  • Dịch chuyển xương hàm dưới ra sau

+ Bên phải 7.0 mm

+ Bên trái 5.0 mm

  • Dịch chuyển cằm: Lên trên 0mm và ra sau 1.5 mm

Kế hoạch phẫu thuật

Hình 9: Kế hoạch phẫu thuật

Hình ảnh chồng hình phim sọ mặt nghiêng trước điều trị, trước nong hàm và sau phẫu thuật

Hình 10: Hình ảnh chồng hình phim sọ mặt nghiêng trước điều trị, trước nong hàm và sau phẫu thuật

References:

  1. Mai DD, Stucki S, Gkantidis N. Assessment of methods used for 3-dimensional superimposition of craniofacial skeletal structures: a systematic review. PeerJ. 2020; 8: e9263.
  2. Broadbent BH. A new X-ray technique and its application to orthodontia. The Angle Orthodontist. 1931; 1: 45–66.
  3. Jiang Y, Song G, Yu X, et al. The application and accuracy of feature matching on automated cephalometric superimposition. BMC Medical Imaging. 2020; 20: 31.
  4. Jabbal A, Cobourne M, Donaldson N, et al. Assessing lower incisor inclination change: a comparison of four cephalometric methods. European Journal of Orthodontics. 2016; 38: 184–189.
  5. Lenza MA, Carvalho AA, Lenza EB, et al. Radiographic evaluation of orthodontic treatment by means of four different cephalometric superimposition methods. Dental Press Journal of Orthodontics. 2015; 20: 29–36.
  6. Baumrind S, Korn EL, Ben-Bassat Y, et al. Quantitation of maxillary remodeling. 2. Masking of remodeling effects when an ‘anatomical’ method of superimposition is used in the absence of metallic implants. American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics. 1987; 91: 463–474.
  7. Ghafari J, Engel FE, Laster LL. Cephalometric superimposition on the cranial base: A review and a comparison of four methods. American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics. 1987; 91(5): 403–413.
  8. Steiner CC.Cephalometrics for you and me. American Journal of Orthodontics. 1953; 39(10): 729–755.
  9. You Q, Hagg U. A comparison of three superimposition methods. The European Journal of Orthodontics. 1999; 21(6): 717–725.
  10. Bjork A, Skieller V. Facial development and tooth eruption. American Journal of Orthodontics. 1972; 62(4): 339–383.
  11. Jabbal A, Cobourne M, Donaldson N, et al. Assessing lower incisor inclination change: a comparison of four cephalometric methods. Eur J Orthod. 2016; 38(2): 184-9.

Facebook Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *